02 Th11 2 cách làm lạp xườn Tây Bắc từ thịt lợn rừng ngon đúng điệu
Mục lục
Nếu đã từng được thưởng thức lạp xườn chuẩn vị Tây Bắc, bạn sẽ khó quên được hương vị đặc trưng và cực kì độc đáo của món ăn này. Chắc hẳn, bạn sẽ nghĩ rằng để làm ra một món ăn ngon như thế thì thật khó đúng không nào. Tuy nhiên, bạn chỉ cần bỏ ra chút thời gian và nắm được các bước sau đây thì chắc chắn bạn cũng có thể làm cho cả nhà mẻ lạp xườn thơm ngon không hề thua kém lạp xườn chính hiệu chút nào đâu.
Trong bài viết dưới đây, Vườn nhà mình sẽ đưa ra hướng dẫn chi tiết về cách làm Lạp xườn gác bếp Tây Bắc đơn giản mà vẫn thơm ngon đậm đà. Hãy cùng vào bếp và bắt tay vào làm món ngon độc đáo này nhé.
Đôi điều về đặc sản lạp xườn gác bếp Tây Bắc
Là một trong những món đặc sản truyền thống của người dân Tây Bắc, lạp xườn gác bếp mang đậm hương vị núi rừng với phong cách chế biến cực kì độc đáo. Cách làm món lạp xườn Tây Bắc không hề giống với cách làm kiểu Trung Hoa, từng miếng lạp sườn ngấm trọn hương vị, dai giòn và thấm đẫm hơi lửa có thể thuyết phục cả những vị khách khó tính nhất. Vì thế, không có gì phải ngạc nhiên khi lạp xườn gác bếp Tây Bắc có thể trở thành món quà quý từ núi rừng để dành tặng cho những người thân yêu.
Bà con đồng bào Tây Bắc đã phải thực hiện các quy trình vô chế biến vô cùng cẩn trọng, tỉ mỉ mới có thể làm ra được món đặc sản hảo hạng này. Chính vì vậy, món ăn này lưu giữ được mùi vị truyền thống của món ăn Tây Bắc. Chỉ cần thử một miếng thôi thì thực khách khó có thể quên được hương vị này. Bởi giao thông và giao thương phát triển nên món đặc sản này không còn bị bó hẹp ở khu vực Tây Bắc nữa mà người dân trên khắp mọi miền cả nước đều có thể đặt mua và thưởng thức.
Rất nhiều người quan tâm và tò mò về cách làm hay quy trình chế biến món lạp xườn Tây Bắc. Có nhiều người muốn thử tay nghề và muốn tự làm món ăn này đã cả nhà. Vì vậy nên Vườn nhà mình sẽ chia sẻ chi tiết các công đoạn trong quá trình chế biến lạp xườn gác bếp Tây Bắc nhé.
Cách làm lạp xườn gác bếp Tây Bắc – Cách 1
Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu
Những nguyên liệu để làm món lạp xườn khá giống với nguyên liệu để chế biến món xúc xích. Một số nguyên liệu chính mà bạn cần chuẩn bị đó là:
Thịt nạc: Phần thịt nạc làm lạp xườn nên có cả mỡ cả nạc, thịt quá nạc sẽ khiến miếng lạp xườn bị khô. Phần thịt lí tưởng nhất sẽ nằm là phần nạc vai hoặc phần thịt mông bỏ da.
Mỡ lợn: giúp miếng lạp xườn giòn và béo bùi hơn.
Ruột non: Những phần lòng non thích hợp để làm lạp xườn phải tươi ngon, nên chọn các đoạn nhỏ, có chiều dài và độ dày mỏng vừa phải.
Các loại gia vị: Để làm lạp xườn chuẩn vị, các bạn cần chuẩn bị những gia vị sau: chanh, giấm gạo, rượu, đường, muối, hạt tiêu, bột nêm, nước mắm ngon, hạt mắc khén và hạt dổi… Về phần cách dùng hạt dổi và mắc khén, Vườn nhà mình sẽ giới thiệu ở phần sau của bài viết.
Bước 2: Cách làm lạp sườn gác bếp
Sơ chế nguyên liệu
Dùng chanh và giấm để làm thật sạch phần lòng non với chanh và dấm, bạn nên lộn qua lại bên trong và ngoài phần lòng và rửa kĩ để đảm bảo an toàn. Rửa sạch phần thịt nạc, thái thành các miếng mỏng và đem đi xay nhỏ. Nên xay thay vì băm vì thịt được xay càng nhuyễn thì sườn càng béo bùi.
Đem phần mỡ đi rửa sạch rồi cắt thành các hạt miếng nhỏ có kích thước hạt lựu. Bạn cần cẩn thận thái sao cho không quá to hoặc quá nhỏ vì sẽ khiến phần nhân của lạp xườn không được đẹp.
Sau khi đã xay nhuyễn thịt và thái mỡ hạt lựu, bạn dùng các gia vị như đường, nước mắm, hạt nêm, một chút rượu, tiêu xay, hạt dổi và hạt mắc khén để trộn đều và ướp hai nguyên liệu này. Sau khi đã trộn đều hỗn hợp, bạn đem ra phơi dưới nắng trong khoảng 2 tiếng đồng hồ.
Nhồi nhân lạp xườn
Sau khi phần nhân đã được chuẩn bị xong, chúng ta sẽ đến với công đoạn nhồi nhân vào lòng non đã làm sạch từ trước. Bạn có thể dùng một chiếc phễu nhỏ hoặc phần đầu của chai nước cũng là một trợ thủ đắc lực để bạn có thể thực hiện bước này dễ dàng và nhanh chóng hơn. Bạn cứ nhồi được tầm 30cm thì lại dùng dây thắt thắt nút lại, liên tục nhồi nhân vào ruột cho đến khi hết là được.
Làm chín lạp sườn:
Bạn cần phải cẩn thận và tỉ mỉ hơn chút xíu trong công đoạn làm chín lạp sườn gác bếp này. Bạn cần chuẩn bị dây phơi dài để treo lạp xườn lên phơi dưới ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 3 đến 4 ngày. Theo công thức chuẩn của các đồng bào dân tộc Tây Bắc, sau khi mặt ngoài của lạp xườn se lại, người ta sẽ treo lạp xườn lên gác bếp để làm chín bằng hơi nóng và khói bếp.
Tuy nhiên, vì nhà bạn có thể không có sẵn củi để đốt và sấy khô lạp xườn, bạn có thể bật lò vi sóng lên ở mức nhiệt khoảng 50 độ C và sấy trong vòng 3 đến 6 tiếng. Trong quá trình sấy chín, bạn cần chú ý phải lật đều các mặt của miếng lạp xườn để nó có thể chín đều. Sau khi làm chín, có thể bảo quản lạp xườn trong tủ lạnh để sử dụng trong tầm vài tháng.
Cách dùng hạt dổi và mắc khén
Mỗi khi nhắc đến các món đặc sản Tây Bắc, có lẽ ai tấm tắc khen ngợi hương vị đặc trưng, khó quên của nó. Và các gia vị rừng độc đáo chính là thứ đã góp phần làm nên linh hồn ẩm thực vùng núi Tây Bắc, đặc biệt là hạt dổi và hạt mắc khén. Không chỉ riêng lạp xườn, hai loại gia vị này cũng thường được sử dụng để chế biến các món thịt gác bếp. Chính vì vậy, đồng bào dân tộc mệnh danh chúng là “vàng đen – một gia vị ẩm thực tuyệt vời.
Chế biến hạt dổi
Đầu tiên, cần chuẩn bị 1 lượng hạt dổi vừa đủ cho mỗi lần nấu nướng. Nướng hạt dổi trên than củi đem lại hương vị thơm ngon nhất, tuy nhiên, nếu không có sẵn than củi, nướng hạt dổi trên bếp ga cũng là lựa chọn không tồi.
Các bạn nên dùng đũa gắp và xoay đều hạt dổi trên cục than hồng đến khi nó căng phồng và bốc lên mùi thơm là được. Không nên nướng hạt dổi quá kĩ vì nó có thể làm mùi hương đặc biệt của hạt dổi biến mất. Tiếp đó, các bạn dùng chuôi dao và bát cơm hoặc chày và cối để giã nhỏ hạt dổi.
Cách chế biến hạt mắc khén
Vườn nhà mình sẽ chỉ cho các bạn cách sơ chế hạt mắc khén khô chưa được xay và rang nhé. Đầu tiên, cho 1 lượng hạt mắc khén vừa đủ dùng vào rang trên lửa nhỏ trong khoảng 4-5 phút hoặc cho vào lò vi sóng công suất 500W để nướng trong vòng 2-3 phút. Đợi cho hạt mắc khén nguội thì dùng cối giã hoặc máy xay gia vị nhỏ của gia đình để giã hoặc xay nhỏ. Nếu không sử dụng hết trong một lần thì các bạn có thể dùng túi nilon hoặc hộp đựng chuyên dụng để bảo quản.
Một số món ăn được chế biến từ hai loại gia vị này: Dùng để ướp thịt hoặc cá nướng, làm thịt khô gác bếp, làm gia vị chấm, làm chẳm chéo…
Nước chấm từ hạt dổi và hạt mắc khén
Từ ‘’Chẳm ‘’ trong tiếng Thái có nghĩa là nước chấm, còn từ ‘’ chéo’’ thì có nghĩa là mùi vị của rất nhiều loại rau thơm kết hợp. Tùy thuộc vào từng món ăn, bạn có thể pha chế thành rất nhiều kiểu chẳm chéo có hương vị khác nhau.
Chẳm chéo chuẩn vị Tây Bắc cần các nguyên liệu như hạt dổi, hạt mắc khén, ớt tươi đã nướng qua hoặc ớt khô, tỏi, gừng, muối bột canh, nước lọc, mùi tàu, mùi ta, rau húng, rau thơm các loại,… Để pha được bát chẳm chéo ngon tuyệt, các bạn chỉ cần đem các nguyên liệu trên giã nhuyễn rồi thêm chút nước lọc là xong.
Cách làm lạp xườn Tây Bắc – Cách 2
Lạp xườn là món ăn ngon mà người các dân tộc vùng cao thường làm để ăn trong cả năm. Đặc biệt, người dân bản địa thường làm lạp xườn trước Tết Âm lịch khoảng vài ba tháng để đón Tết.
Công thức làm lạp xườn ở các vùng miền khá giống nhau, nhưng bạn có thể thêm bớt chút gia vị để phù hợp với khẩu vị. Dùng lòng non để làm lớp bọc ngoài cho lạp xườn. Dùng giấm hoặc rượu trắng để rửa thật sạch phần lòng non. Phần thịt nạc để làm lạp xườn là phần thịt thăn, nạc vai hoặc nạc mông, không nên dùng những phần thịt quá nạc, nếu không, lạp xườn sẽ bị khô. Băm nhỏ hoặc xay nhuyễn thịt rồi tẩm ướp với các loại gia vị, hành băm phi thơm, nhất là có thể thêm chút rượu và hạt mắc khén để tạo ra mùi thơm đặc trưng. Dưới đây, Vườn nhà mình sẽ trình bày công thức đầy đủ để làm lạp xườn thơm ngon:
Chuẩn bị nguyên liệu để làm món lạp xườn
Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau để làm món lạp xườn: 5 lạng thịt lợn bản nạc, 3 lạng mỡ lợn bản, 1 lạng ruột non, và các gia vị khác như đường, hạt tiêu xay, hạt mắc khén, xì dầu, rượu mai quế lộ, rượu trắng, muối diêm để lạp xườn có màu hồng và giúp bảo quản lạp xườn được lâu.
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
Đem ruột non rửa thật sạch và dùng rượu trắng để ướp. Phần mỡ lợn sau khi rửa sạch thì đem cắt nhỏ thành từng miếng hình hạt lựu và ướp với hai thìa đường. Đối với cách làm này, bạn không đem thịt lợn đi xay mà là cắt nhỏ tương tự như phần mỡ.
Bước 2: Ướp thịt
Tiếp đến, cho phần mỡ và phần thịt đã thái nhỏ hạt lựu vào trong bát tô để ướp cùng các gia vị sau: 2 thìa đường cát, 2 thìa xì dầu, 2 thìa rượu mai quế lộ để tạo hương thơm, 1 thìa nhỏ muối diêm (sử dụng quá nhiều muối diêm sẽ tác động xấu tới sức khỏe), hạt tiêu xay, cuối cùng, thêm 1 thìa muối vào và trộn đều lên. Theo công thức chuẩn thì khi làm lạp xườn, các bạn phải ướp nhân trong khoảng 3 tiếng nhé.
Bước 3: Nhồi nhân vào trong ruột lợn
Sau khi phần nhân đã ngấm kĩ gia vị, các bạn chia phần ruột lợn bản thành những đoạn nhỏ rồi nhồi nhân vào, độ dài ngắn là tùy thuộc vào bạn (bạn nhớ trừ đi 2 đầu để lúc sau có thể buộc lại nhé). Cứ mỗi khi nhồi xong phần nhân thì bạn dùng dây buộc lại hai đầu lạp xườn. Làm liên tục như thế cho đến khi hết nguyên liệu.
Bước 4: Phơi lạp xườn
Cách 1: Bạn có thể mang lạp xườn đi phơi chừng 3 – 4 nắng nếu thời tiết nắng ráo. Khi ấy, những miếng lạp xườn sẽ lên đỏ màu đẹp và rất ngon. Nhiều bạn có thắc mắc rằng vì sao thịt lợn không bị thiu? Chính nhờ chút rượu mai quế lộ thêm vào trong khi ướp đã giúp giữ thịt không bị thiu và lạp xườn sẽ săn và lên màu đỏ khi phơi.
Cách 2: Đầu tiên, bạn cần chuẩn bị một nồi nước, thêm tầm 3 thìa canh rượu trắng rồi đun sôi, sau đó cho lạp xườn vào chần sơ qua rồi mới đem đi phơi 3 – 4 nắng. Sau khi lạp xườn đã được phơi đủ nắng, chúng ta có thể đem đi luộc, rán hoặc hấp lên và sử dụng đều ngon. Bạn cần lưu ý rằng vì trong lạp xườn đã có những miếng mỡ nhỏ, khi rán bạn không cần thêm dầu hay mỡ mà chỉ cho một xíu nước vào, khi nước sôi thì các bạn cho những miếng lạp sườn đã thái vát vào là tránh khiến lạp xườn bị cháy.
Trên đây, Vườn nhà mình đã chia sẻ với các bạn 2 công thức đơn giản để làm lạp xườn thơm ngon béo bùi, chuẩn vị Tây Bắc. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp cho bạn làm một mẻ lạp xườn thơm ngon hấp dẫn để chiêu đãi cả nhà nhé!