3 công thức vịt nấu măng ngon chuẩn vị lại dễ làm

3 công thức vịt nấu măng ngon chuẩn vị lại dễ làm

Mục lục

5/5 - (2 bình chọn)

Vịt nấu măng là một món ăn vô cùng quen thuộc trong các bữa cơm của nhiều gia đình Việt. Có thể bạn vẫn chưa biết một số cách chế biến vịt nấu măng ngon và đơn giản. Vì vậy, hãy cùng Vườn nhà mình tham khảo các công thức vịt nấu măng dưới đây và vào bếp ngay nào!

Vịt nấu măng khô

Vịt nấu măng khô

Chế biến: 1 giờ 30 phút

Độ khó: Dễ

Nguyên liệu chế biến món vịt nấu măng khô cho 4 người

Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: 1 con vịt nặng khoảng 1 cân, 5 lạng măng khô, 1 củ gừng, 2 quả ớt tươi, 10g tỏi, 3 củ hành khô, 100ml rượu trắng, 2 nhánh hành lá, 10g rau mùi, 10g rau răm, và các gia vị thường dùng (nước mắm ngon, muối, mì chính, hạt nêm).

Nguyên liệu làm món vịt nấu măng khô cho 4 người

Cách chế biến món vịt nấu măng khô

Sơ chế nguyên liệu

Rửa sạch, cạo vỏ và đập dập gừng rồi hòa với 5 thìa canh rượu. Làm sạch vịt, rồi lấy muối, và hỗn hợp rượu gừng để chà xát kĩ toàn thân vịt nhằm loại bỏ mùi hôi vốn có. Sau đó, rửa kĩ lại vịt bằng nước sạch và để ráo nước.

Nướng một củ hành khô và gừng cho đến khi có mùi thơm thì lấy ra bóc vỏ hành và đập dập cả hai. Bạn cần ngâm măng khô vào trong nước cho nở mềm ra. Bạn nên xé măng thành sợi nhỏ rồi ngâm trong 2 đến 3 ngày và thay nước thường xuyên khoảng 2 đến 3 lần. Bạn cần ngâm măng lâu như thế để khi nấu vịt nấu măng khô thì măng không bị dai. Phần hành khô còn lại và tỏi thì bóc vỏ và băm nhuyễn. Nhặt và rửa sạch rau thơm rồi thái nhỏ.

Xào măng

Bắc nồi lên, đun nóng dầu rồi cho hành vào phi thơm lên, tiếp đến trút măng vào xào cùng, nêm gia vị vừa miệng. Trong khi xào, nếu bạn thấy măng hơi khô thì nên đổ thêm một chút nước và nấu nhỏ lửa để măng ngấm đều gia vị. Sau khi măng chín thì bạn cần nấu thêm tầm nửa tiếng cho măng nhừ.

Luộc vịt

Đối với vịt, sau khi sơ chế sạch thì bạn bỏ vịt vào nồi, đổ ngập nước rồi luộc sơ qua sau đó rửa lại với nước. Tiếp đó, bạn đổ nước vào nồi, thêm hành, gừng nướng và vịt vừa rửa vào luộc. Lần này, bạn luộc cho đến khi vịt chín mềm và bạn nên vớt hết bọt trong khi luộc để nước dùng trong. Tiếp đó, bạn thêm hạt nêm và các gia vị sao cho vừa miệng.

Thành phẩm

Sau khi vịt chín mềm, bạn vớt vịt ra ngoài rồi cho măng đã xào trước đó vào nồi và đun cho đến khi măng mềm thì nêm lại gia vị cho vừa ăn. Thịt vịt mềm mềm, ngon ngọt, măng khô thì dai dai, hai nguyên liệu hòa quyện cùng nhau tạo nên món vịt nấu măng khô ngon hết ý. Bạn có thể thái thịt vịt thành các miếng vừa ăn hoặc chỉ lọc lấy thịt và xé sợi rồi cho vào bát tô, sau đó trộn măng và bún cùng rau thơm để ăn cùng. Nếu không ăn với bún, bạn có thể trộn để ăn cùng cơm cũng rất tuyệt.

Vịt nấu măng chua

Chế biến: 1 giờ

Độ khó: Trung bình

Cách chế biến Vịt nấu măng chua

Sơ chế nguyên liệu

Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: 1 con vịt, măng chua, gừng, hành khô, hành lá, ớt, hạt tiêu xay, dầu ăn và các gia vị thông dụng (muối, mắm, hạt nêm, mì chính).

Bạn cần rửa sạch gừng, cạo vỏ và cho vào cối giã nát hoặc đập dập sau đó cho vào một bát nhỏ, thêm 1 chén rượu trắng vào. Làm sạch vịt rồi chà xát với chút muối trắng rồi rửa lại. Tiếp đó, phết lên mình vịt hỗn hợp gừng và rượu trắng vừa chuẩn bị lên để loại bỏ mùi hôi của vịt.

Bóc vỏ rồi rửa sơ qua hành khô sau đó thái lát mỏng hoặc băm nhỏ. Phần hành lá thì nhặt bỏ gốc và lá héo úa rồi rửa sạch và thái khúc. Chặt vịt thành các miếng rồi cho vào bát tô, thêm chút nước mắm ngon, mì chính, hành, gừng băm nhỏ và hạt tiêu xay vào ướp. Đậy hoặc bọc kín miệng bát tô lại và để ướp trong khoảng từ 30 đến 45 phút cho vịt ngấm đều gia vị.

Rửa sơ phần măng chua mua về rồi chần trong nước sôi tầm 5 phút cho măng bớt chua sau đó vớt ra để ráo nước.

 

Xào thịt vịt và đem nấu

Bắc chảo lên bếp, đun nóng dầu ăn và cho hành tím vào phi thơm vàng. Khi hành tím thơm vàng thì trút thịt vịt đã ngấm gia vị vào xào cho săn. Dùng đũa đảo trong tầm 5 phút thì tắt bếp. Trút vịt vào nồi và cho vào 1.5 lít nước, vặn lửa vừa và đun đến khi sôi thì vặn nhỏ lửa.

Xào thịt vịt và đem nấu

Xào măng

Bạn cũng nên xào qua măng chua trong khoảng từ 5 đến 7 phút, không nên xào quá kĩ vì sẽ khiến măng bị mềm nhũn. Sau khi xào xong, trút măng vào nồi canh vịt và nấu trong vòng 40 phút.

Thành phẩm

Sau 40 phút, bạn nên nêm lại mắm, muối, mì chính sao cho vừa khẩu vị. Múc ra bát tô rồi rắc chút hành lá lên trên. Cũng như món vịt nấu măng khô, bạn có thể ăn kèm vịt nấu măng chua với cơm hoặc bún tươi kèm một số loại rau thơm.

Vịt nấu măng tươi

Chế biến: 1 giờ

Độ khó: Trung bình

Nguyên liệu chế biến món vịt nấu măng tươi cho 4 người

Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: 1 con vịt nặng khoảng 1 đến 1 cân rưỡi, 5 lạng măng tươi, 1 quả chanh tươi, 5 nhánh hành lá, 1 củ gừng tươi, 1 chút mùi tàu, 100ml rượu trắng, 1 củ tỏi, 3 củ hành khô, 1 cân bún tươi, dầu ăn và các loại gia vị thông dụng (nước mắm ngon, muối, mì chính, hạt tiêu).

Nguyên liệu chế biến món vịt nấu măng tươi cho 4 người

Cách chế biến Vịt nấu măng tươi

Sơ chế nguyên liệu

Sau khi rửa sạch và khử đi mùi hôi của vịt thì bạn cần chặt thành từng miếng nhỏ vừa ăn. Nếu có tiết vịt, bạn có thể cắt thành các khối rồi chần qua với nước sôi để loại bỏ các chất bẩn và giúp tiết đông lại.

Nhặt gốc, lá héo úa, rửa sạch, và thái hành lá, rau mùi thành các khúc nhỏ. Đối với hành khô và tỏi, bạn đem bóc vỏ, rửa sạch rồi băm nhỏ. Cạo vỏ và rửa sạch một củ gừng tươi rồi thái lát.

Sau khi mua măng tươi về, bạn phải rửa thật sạch và luộc chín để loại bỏ vị đắng. Nếu bạn nếm thấy măng vẫn còn đắng thì bạn nên chần qua măng với nước sôi vài lần nữa. Tiếp đến, bạn rửa lại măng với nước lạnh để măng nguội rồi xé thành các sợi mỏng vừa ăn.

Áp chảo cho thịt vịt ra bớt mỡ

Bắc chảo lên bếp, đun nóng một chút dầu ăn rồi cho các miếng thịt vịt đã chặt nhỏ vào áp chảo. Đến khi da vịt ra bớt mỡ, miếng thịt săn lại và xuất hiện màu vàng nâu đẹp mắt thì tắt bếp và gặp ra ngoài để ráo dầu. Sau công đoạn áp chảo, thịt vịt sẽ bớt ngấy vì nhiều mỡ và săn, thơm ngon hơn. Tuy nhiên, bạn có thể bỏ qua bước này nếu vịt nhiều nạc và săn chắc.

Ướp thịt vịt

Cho vịt đã áp chảo vào một bát tô lớn và cho tầm 2 thìa nước mắm ngon, 2 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê đường, một nửa lượng hành, tỏi đã băm. Sau đó, có thể bóp thịt vịt với hỗn hợp đó và ướp trong vòng nửa tiếng để vịt dễ ngấm gia vị hơn.

Xào măng cho thấm gia vị

Bắc chảo lên bếp, đun nóng chút dầu ăn rồi cho tỏi vào phi thơm vàng, sau đó trút măng vào xào chín và nêm chút hạt nêm cho măng thêm đậm đà. Xào măng tươi trước khi nấu cùng vịt sẽ làm măng ngấm gia vị dễ hơn, khi ăn, măng sẽ giòn ngọt và thơm hơn.

Nấu các nguyên liệu

Đặt một chiếc nồi lớn lên bếp, cho phần hành băm còn lại vào phi thơm lên rồi cho thịt vịt và chút gừng thái lát vào xào. Khi thịt vịt chín và săn lại thì cho một lượng nước nấu phù hợp vào đun sôi nhỏ lửa cho đến khi thịt mềm.

Sau 20 – 25 phút, thịt vịt đã mềm, cho hết phần măng tươi đã xào và tiết vịt (nếu có) thái miếng vào nồi. Đun sôi thêm chừng 5 phút nữa và nêm nếm gia vị cho vừa miệng rồi tắt bếp (hoặc vặn lửa thật nhỏ để giữ nóng).

Thành phẩm

Chần qua bún tươi và cho bún vào bát tô, rắc thêm hành lá, mùi tàu đã thái nhỏ lên trên. Tiếp đó, múc phần vịt nấu măng tươi vào là xong. Để gia tăng hương vị và đỡ chán thì bạn có thể ăn kèm với nhiều loại rau thơm, rau sống.

Mẹo khử mùi thịt vịt

Sau khi làm sạch thịt vịt, trước khi chặt hay đem đi nấu, bạn nên dùng gừng và rượu để loại bỏ mùi hôi vốn có của thịt vịt. Đem gừng giã nhuyễn trộn với rượu trắng rồi lấy hỗn hợp này bóp vịt thật kỹ thì mùi hôi sẽ không còn.

Nếu không có sẵn gừng và rượu trong nhà thì bạn cũng có thể dùng muối trắng và giấm ăn để thay thế. Hòa hai nguyên liệu này với nhau rồi đem đi chà xát thật kỹ cả trong lẫn ngoài của con vịt nhiều lần thì có thể khử mùi hôi. Nếu không có giấm ăn thì chanh tươi cũng là một lựa chọn tốt.

Ngoài ra, bạn cần cắt bỏ phần phao câu vịt, và rửa sạch các lỗ chân lông cho mất hết chất nhầy màu đen còn sót lại. Bởi hai yếu tố này là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi của thịt vịt.

Lợi ích của thịt vịt có thể bạn chưa biết

Những người bị suy nhược cơ thể, gầy yếu, chán ăn, kiết lỵ, táo bón nên dùng thịt vịt. Không chỉ thế, thịt vịt còn có tác dụng tốt trong việc cải thiện các bệnh phù nề, đới hạ, khí hư, tiểu đường, thiếu sữa, sốt nóng dai dẳng, tay chân hay ra mồ hôi trộm, da tóc khô xơ, miệng họng khô, khát nước. Người ta còn nhận thấy thịt vịt có thể hỗ trợ hiệu quả việc điều trị bệnh tim mạch, lao phổi, ung thư,…

Cứ 100g thịt vịt thì có khoảng 25g chất đạm (cao hơn nhiều lần so với thịt bò, lợn, dê, cá, trứng). Thêm vào đó, thịt vịt vó chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng thiếu yếu như Ca, P, Fe, các vitamin như B1, B2, A, D, E…

Mách nhỏ:

Vịt nấu măng có thể được ăn kèm các món như miến, bún tươi hoặc ăn với cơm. Bạn có thể ăn kèm với các loại rau thơm như ngò rí, rau quế,… để tăng thêm hương vị và giúp chữa bệnh.

Trên đây, Vườn nhà mình đã chia sẻ với các bạn 3 công thức chế biến các món vịt nấu măng thơm ngon đúng vị. Hãy vào bếp ngay thôi để chiêu đãi cả nhà món vịt nấu măng đầy hấp dẫn nào! Chúc các bạn thành công và ngon miệng!



0916526868
chat-active-icon