Cách chế biến mắm cá rô phi thơm ngon đậm đà và dễ làm tại nhà

Cách chế biến mắm cá rô phi thơm ngon đậm đà và dễ làm tại nhà

Mục lục

5/5 - (2 bình chọn)

Chuẩn bị: 1 giờ

Chế biến: 2 giờ

Độ khó: Trung bình

Đối với người dân Việt Nam, món mắm làm từ cá rô phi rất dân dã và quen thuộc. Ăn kèm mắm cá rô với các loại rau sống hoặc chuối chát thì cực kì ngon miệng bởi đó là sự kết hợp tuyệt vời giữa hương vị đậm đà của mắm và hương vị thanh mát của rau. Hãy cùng Vườn nhà mình tìm hiểu về cách chế biến và bảo quản mắm cá rô phi đúng chuẩn nhé. Hãy cùng vào bếp ngay nào!

Nguyên liệu chế biến món mắm cá rô phi

3 cân cá rô phi, 4 lạng gạo rang, 1 quả dứa, mỗi loại gia vị thường dùng 1 chút như muối, đường, mì chính.

Cách lựa chọn nguyên liệu tươi ngon

Cách chọn mua cá rô phi tươi ngon

Cá rô phi được dùng làm mắm không nên là loại cá có kích thước quá to bởi vì xương cá to sẽ rất cứng và việc làm mắm trở nên khó khăn. Cá được chọn phải tươi ngon, có vảy tươi sáng, dính chắc vào mình cá, mang cá sạch, có màu hồng nhạt chứ không bị thâm hoặc sẫm màu.

Thêm vào đó, phải mua cá có mùi tanh nhưng không quá khó ngửi bởi cá không tanh thì dễ có chứa chất bảo quản, không nên dùng để làm mắm.

Cách lựa chọn dứa tươi ngon

Về màu sắc, những quả dứa ngon nhất và nên được chọn sẽ có màu vàng tươi từ phần cuống xuống phần đuôi. Tuy dứa có thể có một số mắt còn hơi xanh nhưng thịt quả vẫn có vị ngọt nhất định. Về hình dạng, bạn nên chọn những quả dứa hình tròn, bầu và ngắn vì phần thịt quả sẽ dày nhiều hơn là quả dài.

Bạn cũng nên chọn những quả dứa có các mắt lớn và thưa bởi đó là những quả dứa chín già tự nhiên mà không bị ngâm thuốc ép chín. Mùi thơm cũng là một dấu hiệu bạn nên sử dụng để nhận biết dứa ngon. Nếu bạn ngửi thấy mùi thơm ở phần đuôi thì có nghĩa là dứa ngon, nhưng nếu mùi chua chua kiểu đã lên men thì không nên chọn vì dứa đó chín quá.

Đối với phần ngọn dứa, nếu bạn thấy phần ngọn dứa có màu xanh tươi thì đó là quả dứa tươi ngon. Trái lại, quả dứa chín quá thì sẽ có phần ngọn khô hoặc ngả nâu. Bạn có thể dùng ngón tay nhấn vào quả dứa, nếu dứa tươi ngon thì sẽ không bị quá cứng hay quá mềm và cũng không tạo cảm giác lõm vào.

Nguyên liệu chế biến món mắm cá rô phi

Dụng cụ thực hiện

Chum sành to, chảo, dao, thớt, bát tô…

Cách làm món mắm cá rô phi

Sơ chế cá rô phi

Sau khi mua cá rô phi về, cạo sạch hết lớp vảy cá, rồi dùng dao sắc mổ dọc bụng cá, móc bỏ hết nội tạng và rửa sạch cho không còn phần màng đen bên trong bụng cá. Để loại bỏ bớt chất bẩn của cá, đem cá đi ngâm trong nước muối pha loãng trong vòng một tiếng. Tiếp đó, rửa sạch cá một lần nữa rồi để ráo nước. Để cá ngấm gia vị dễ hơn, các bạn có thể dùng dao cắt các đường trên mình cá.

Lưu ý: Theo kinh nghiệm dân gian, để thử nồng độ muối, bạn có thể cho một vài hạt cơm nguội vào nước muối pha loãng. Nếu nhìn thấy hạt cơm nổi lên trên mặt nước thì có nghĩa là nồng độ muối thích hợp, có thể ngâm cá.

Sơ chế các nguyên liệu khác

Sau khi mua dứa về, bạn dùng dao cắt đi phần đầu quả rồi gọt lớp vỏ xung quanh. Tiếp đến, bạn có thể lấy dao nhỏ để cắt tỉa bỏ các mắt dứa. Bổ quả dứa làm đôi, để riêng ra bát một phần, đối với phần còn lại, bạn lấy dao thái thành các miếng dày tầm 1 đến 2 lóng tay.

Nghiền 4 lạng gạo rang đã chuẩn bị để làm thính làm mắm cá rô phi.

Xếp cá vào hũ lần đầu

Dùng 1 cân muối để trộn với 3 cân cá trước khi cho vào hũ. Trong quá trình trộn, bóp nhẹ thân cá và xoa đều muối để cá ngấm đều gia vị. Tiếp theo, bạn cứ xếp lần lượt 1 lớp cá rồi đến 1 lớp muối mỏng và cuối cùng là 1 lớp dứa thái lát cho đến khi hết cá.

Trong lúc xếp cá vào trong hũ hoặc chum, bạn cần lưu ý nén chặt để hạn chế không khí xâm nhập vào. Trong trường hợp cá đã hết nhưng mà trong hũ vẫn còn chỗ thừa thì các bạn có thể cho1 túi nước hoặc lót một lớp vải rồi cho các vật nặng như củi lên trên để chặn bớt không khí. Đậy kín nắp chum hoặc hũ rồi mang đi ủ.

Đậy kín nắp hũ vào rồi đem đi ủ.

Lưu ý

  • Cần rửa sạch hũ ủ cá, tốt nhất là dùng nước sôi tráng hũ vài lần và úp cho ráo nước để được tiệt trùng.
  • Vì các lọ nhựa có thể có các chất độc như nhựa ABS, PVC hay PHSI nên không dùng lọ nhựa,…

Ủ cá

Bạn cần ủ mắm cá ở nơi khô ráo, thoáng mát và tránh ánh sáng trực tiếp từ mặt trời. Sau hai ngày, các bạn mở nắp hũ ra và lấy đũa dài đảo nhiều lần cho cá đều muối.

Gắp cá ra ngoài

Tầm 7 đến 10 ngày sau khi ủ cá, mở nắp hũ ra kiểm tra xem thịt cá đã cứng lại chưa. Nếu đã đủ cứng, dùng đũa dài gắp cá ra ngoài và để cho ráo, rửa sạch và lau khô hũ.

Lưu ý: Sau khi gắp cá ra thì để ráo nước và khô tự nhiên, nếu rửa lại thì sẽ khiến mắm cá bị hỏng.

Cho cá ăn thính

Sau khi cá đã ráo nước, bạn lấy thính đã chuẩn bị trước đó để trộn đều với cá. Tiếp đó, xếp cá lần lượt vào hũ cho đến khi hết. Nếu hũ còn nhiều chỗ trống, cần dùng nhiều khúc củi để nhấn cả xuống nhằm làm thoát hết không khí trong hũ rồi đậy nắp để trong một tháng.

Hoàn thành

Sau một tháng, bạn mở nắp hũ và chắt hết nước trong hũ ra ngoài, tiếp đó, lại đóng nắp và ủ thêm một tháng nữa. Khi ấy, toàn bộ xương cá đã mềm ra.

Thành phẩm

Món mắm cá rô phi thành công khi cá có màu nâu đỏ, thịt dai ngon, ngọt thơm. Ăn kèm mắm cá rô phi với cơm nóng hay rau thơm, chuối chát hoặc khế chua thì còn gì tuyệt bằng.

Cách bảo quản mắm cá rô phi

Mắm cá rô phi đã có thể sử dụng nên được bảo quản trong hũ/chum kín, đặt ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp từ mặt trời. Làm theo cách đó có thể sử dụng được mắm trong vòng 6 – 10 tháng.

Bạn cũng có thể bảo quản mắm cá rô phi lâu hơn bằng cách chia nhỏ thành phẩm vào các lọ thủy tinh nhỏ. Đậy kín nắp các lọ rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh và sử dụng trong tầm 6 – 12 tháng.

Để tránh mắm bị hỏng trong quá trình sử dụng, chỉ dùng thìa hoặc đũa sạch, khô để gắp mắm cá ra rồi nhanh chóng đóng kín nắp lại.

Bài viết trên đã chỉ dẫn từng bước trong quy trình làm món mắm cá rô phi thơm ngon, đậm đà. Với những gì trình bày ở trên, Vườn nhà mình hy vọng đã giúp bạn bỏ túi thêm một công thức mới lạ. Chúc các bạn thành công và vào bếp vui vẻ!


0916526868
chat-active-icon