Đặc điểm của lợn rừng bản và các món ngon từ thịt lợn rừng bản

Đặc điểm của lợn rừng bản và các món ngon từ thịt lợn rừng bản

Mục lục

5/5 - (2 bình chọn)

Đặc điểm của lợn rừng bản

Lợn rừng bản là giống lợn bản địa mà người các dân tộc Mán, Mường đã nuôi từ rất lâu. Chúng được nuôi thả tự do, một số ít trong số đó được nuôi nhốt nhưng không thâm canh và thức ăn chỉ là rau rừng, bột ngô, phụ phẩm….Hiện nay, lợn rừng bản dễ có nguy cơ bị lai tạp nên có thể đánh mất các đặc điểm nổi bật của giống lợn này. Giống lợn này hiện tập trung chủ yếu ở các huyện vùng núi cao của tỉnh Hòa Bình, nhất là ở Đà Bắc, Cao Phong, Lạc Sơn, Mai Châu, Tân Lạc. Lợn rừng bản có ưu điểm đó là có sức đề kháng tốt, cứng cỏi, chịu được điều kiện thời tiết và chăn nuôi kém.

Đàn lợn nái thể hiện rõ nhất các đặc trưng của giống lợn rừng bản. Phần lông của lợn nái thường có màu đen, dài và cứng. Chúng cũng thường có màu da đen tuyền, có những con có mõm, vú và bốn bàn chân đều đen. Tuy nhiên, đa số cả bốn bàn chân và phần bụng của lợn rừng bản thường có màu trắng.

Đặc điểm của lợn rừng bản

Tai của lợn rừng bản khá nhỏ và dựng đứng. Chúng có các chân nhỏ và đi lại bằng móng chân. Mắt lợn bản tinh nhanh, khuôn mặt chúng nhỏ, mõm dài và tương đối nhọn. Lợn bản còn có thân mình dài, phần lưng hơi võng xuống hoặc thẳng, đuôi dài nhỏ.

Đến tuổi trưởng thành, chúng có kích thước lớn với phần bụng gọn mà không bị sệ. Lợn nái bốn năm tuổi chỉ có trọng lượng khoảng 45kg. Phần vú của chúng to và nổi rõ. Lợn bản có dáng đi nhanh nhẹn, có thể leo đồi, rừng núi rất nhanh và khỏe. Nhất là chúng có khả năng luồn lách trong các rừng gần nhà và chui trốn cực nhanh.

Thêm vào đó, lợn bản có khả năng dũi đất để tìm thức ăn. Chúng hay kiếm giun đất, các loại rễ và củ như măng, củ ấu, sắn, củ mài,…Bởi vậy, nhiều con lợn hay kiếm ăn ở ngoài và chỉ về chuồng khi đói, đến bữa ăn hoặc được chủ gọi. Đôi khi, chúng còn ra rừng sống rồi đẻ vài tháng mới quay về.

Trọng lượng của lợn sơ sinh chỉ gần nửa cân/con, khi chúng đạt tầm 3 tháng tuổi và cai sữa thì cân nặng đạt đến hơn 5kg/con. Và khi đến tuổi trưởng thành, lợn rừng bản thường chỉ nặng khoảng từ 45 đến 50kg/con.

Giá trị dinh dưỡng của thịt lợn rừng bản

Chính vì các đặc điểm về giống và nuôi dưỡng như trên, thịt lợn rừng có chất lượng tốt, mang hương vị ngon và rất giàu dinh dưỡng. Thịt lợn rừng bản có rất ít mỡ, phần da giòn giòn còn lớp thịt nạc thì có đỏ hồng bắt mắt. Hơn nữa, thịt lợn rừng bản mang vị ngọt đậm đà hơn nhiều so với thịt lợn miền xuôi nuôi nhốt.

Thịt lợn rừng bản ít mỡ, phần da giòn và thịt có màu hồng đẹp mắt

Thịt lợn rừng cũng giàu các chất dinh dưỡng như thịt lợn thông thường. Thịt lợn chính là nguồn cung cấp chất đạm tuyệt vời cho sự phát triển của cơ bắp. Đồng thời, thịt lợn còn chứa nhiều các vitamin như vitamin B1, B2, B6, A, D, giúp tăng cường hoạt động của hệ thần kinh, giúp hồi phục sức khỏe nhanh chóng, cải thiện suy nhược cơ thể. Không chỉ vậy, thịt lợn còn có các khoáng chất thiết yếu cho cơ thể như P, Se, Na, K, Zn, Cu, Fe, Mg,… có tác dụng nâng cao sức đề kháng, bồi bổ sức khỏe.

Thịt lợn rừng bản có nhiều tác dụng tuyệt vời như vậy, nhưng nhiều chị em vẫn đang thắc mắc liệu có thể làm được món gì ngon từ thực phẩm này. Vì vậy, hôm nay Vườn nhà mình sẽ chia sẻ cho chị em một số công thức chế biến các món ăn ngon và hấp dẫn từ thịt lợn rừng bản nhé!

Các món ngon từ thịt lợn rừng

Món thịt lợn rừng xào sả ớt

Món thịt lợn rừng xào sả ớt

1. Chuẩn bị nguyên liệu

Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: 4 lạng thịt lợn rừng bản (phần chân giò rút xương hoặc thịt mông), 2 quả ớt sừng, 4 cây sả tươi, một củ hành khô, một củ tỏi khô và các loại gia vị thường dùng như hạt nêm, đường, mì chính, hạt tiêu, dầu ăn, dầu hào, sa tế,…

2. Sơ chế và nấu món thịt lợn rừng xào sả ớt

Đầu tiên, bạn cần phải dùng nước muối pha loãng để rửa sạch thịt lợn rồi thái thành từng miếng mỏng vừa ăn và bỏ vào một bát tô. Để món ăn có thể giòn sần sật hấp dẫn hơn thì bạn nhớ thái cả phần da nhé. Tiếp đó, rửa sạch 2 quả ớt sừng và cắt thành các miếng dạng quân cờ. Phần hành tỏi thì bóc vỏ, rửa rồi đập dập và băm thật nhỏ. Sả thì đem bóc phần vỏ già cứng bên ngoài rồi cắt bỏ gốc, rửa sạch sau đó thái vát mỏng.

Cho đường, hạt nêm, mì chính, dầu hào mỗi loại một thìa vào bát tô, thêm chút hạt tiêu tùy khẩu vị vào và trộn đều với thịt rồi để ướp trong khoảng 20 – 25 phút.

Tiếp đến, bắc chảo lên bếp, đun nóng 2 thìa dầu ăn rồi trút phẩn sả thái lát mỏng và hành, tỏi băm nhỏ vào phi lên cho thơm vàng. Khi hành tỏi sả thơm vàng rồi thì bạn cho thịt lợn đã ngấm đều gia vị vào đảo cho đến lúc thịt xém vàng. Tiếp tục trút ớt sừng vào chảo rồi đảo nhanh tay để món ăn có thể chín đều và không bị cháy. Kế đến bạn thêm 1 thìa sa tế vào đảo cùng 10 giây nữa là xong. Cuối cùng, bạn cho thịt ra đĩa, dùng rau củ, rau thơm, rau sống các loại để trang trí tùy thích rồi thưởng thức nhé.

Cách làm thịt lợn rừng bản nấu giả cầy

Món thịt lợn rừng bản nấu giả cầy thơm ngon trứ danh

Trong số các món ngon từ thịt lợn, không thể không kể đến món thịt lợn nấu giả cầy ngon tuyệt. Nếu điều kiện cho phép thì bạn nên thử thay thịt lợn rừng bản cho thịt lợn nhà xem sao nhé. Chắc chắn bạn sẽ không thể quên được hương vị của món ăn thơm lừng hấp dẫn này đâu.

1. Chuẩn bị nguyên liệu

Bạn cần chuẩn bị các nguyên liệu như 5 lạng thịt lợn rừng bản, 1 lạng riềng tươi xay, nửa bát con mẻ cơm, 3 thìa mắm tôm cùng các loại gia vị thông dụng khác như muối, nước mắm ngon, mì chính, hành, sả băm nhỏ,…

2. Sơ chế và nấu món thịt lợn rừng bản nấu giả cầy

Đầu tiên, bạn cần rửa sạch thịt rồi để ráo nước. Sau đó, bạn cần đem thịt đi thui hoặc nướng qua để phần da lợn chuyển màu vàng và phần thịt nạc săn chắc hơn. Kế tiếp, bạn đem thịt thái thành từng miếng vuông vừa ăn.

Thịt lợn rừng bản nên được thui qua để da vàng và thịt săn chắc hơn

Cho thịt lợn vào một bát tô, thêm riềng xay, sả băm, mẻ chua, mắm tôm, muối, mì chính, một thìa nước mắm ngon và chút hạt tiêu xay tùy khẩu vị. Trộn đều hỗn hợp và để ướp trong khoảng 40 phút cho thịt ngấm kĩ gia vị.

Tiếp đó, đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào đun nóng rồi trút hành băm vào phi thơm lên. Sau đó, cho thịt vào đảo săn lại rồi đổ nước vào sao cho vừa ngập mặt thịt. Đun đến khi nước sôi thì vặn nhỏ lửa và ninh tầm 1 giờ để thịt chín mềm là xong.

Trong quá trình nấu, để tránh lớp riềng bị cháy thì bạn cần nhớ thường xuyên kiểm tra và đảo thịt nhé. Cuối cùng, múc thịt lợn rừng nấu giả cầy ra bát tô rồi thưởng thức cùng với cơm nóng. Hương thơm từ riềng mẻ kết hợp với vị ngọt từ thịt, đậm đà của các gia vị đem đến một món ăn ngon khó ai cưỡng lại được.

Trên đây, Vườn nhà mình đã chia sẻ về đặc điểm của lợn rừng bản và hai công thức cơ bản để nấu món ngon từ thịt lợn rừng bản. Nếu muốn tìm hiểu thêm các món khác thì các bạn có thể theo dõi trong các bài viết sắp tới nhé. Chúc các bạn vào bếp thành công và ngon miệng!



0916526868
chat-active-icon