04 Th11 Lan Kim Tuyến có tác dụng gì, sử dụng như thế nào?
Mục lục
Ở Việt Nam, lan kim tuyến mới chỉ được phát hiện ở các khu rừng rậm, chưa thấy xuất hiện tự nhiên ở đồng bằng. Vì lan kim tuyến ưa độ ẩm cao và bóng mát nên chúng thường mọc ở ven các con suối cũng như dưới các tán cây rừng. Chúng ta có thể tìm thấy lan kim tuyến ở các tỉnh vùng núi cao phía Tây Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Lai Châu, Cao Bằng, Tuyên Quang, Hòa Bình.
Qua rất nhiều nghiên cứu, y học hiện đại đã chứng minh lan kim tuyến là một trong những loại dược liệu quý của phương Đông. Vì thế, lan kim tuyến đem lại giá trị kinh tế cao ở Việt Nam và các nước trong khu vực. Tuy nhiên, vì nhu cầu sử dụng lan kim tuyến ngày càng tăng mà sản lượng của loại dược liệu này trong tự nhiên rất thấp nên cây lan kim tuyến đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng.
Lan kim tuyến đã được nêu tên trong sách đỏ Việt Nam, thuộc loại thực vật cần được bảo vệ trong tự nhiên. Hiện nay, nhà nước cũng đang thực hiện các công trình nghiên cứu để nhân giống loại dược liệu quý hiếm này. Tuy vậy, có thể nói lan kim tuyến là một loại lan – thảo dược khó trồng, kể cả đối với người có nhiều kinh nghiệm.
Đặc điểm nhận biết Lan kim tuyến
Lan kim tuyến còn có các tên gọi khác là lan gấm, lan kim cương, nam trùng thảo, cỏ nhung, giải thủy tơ, chúng thường mọc ở khắp những nơi ẩm ướt ở trong rừng sâu. Mặt trên của lá có màu tím nhung, có phần gân lá rất rõ, phiến lá dày nhưng cực kì mềm mượt, nhìn lấp lánh như kim tuyến, mặt dưới của lá có màu phớt hồng, phần thân cây chia thành từng đốt.
Loại thảo dược quý này chỉ sinh trưởng ở nơi có đất tốt và tơi xốp, không chịu được ánh sáng trực tiếp từ mặt trời và chúng thường mọc thành bãi. Lan kim tuyến cũng chỉ phân bố ở những mạn rừng sâu và cao, rất hiếm thấy loại thảo dược này xuất hiện ở khu vực rìa rừng.
Nếu bắt gặp một cụm lan kim tuyến thì có nghĩa là ở khoảng cách gần đó sẽ không xuất hiện một bãi lan kim tuyến nào nữa và bạn phải đi khá xa thì mới có thể tìm thấy được. Vì thế, tìm gặp được một cây thuốc quý là cái duyên của người đi rừng.
Cách chế biến và thu hái
Người dân thu hái lan kim tuyến quanh năm và họ thường chỉ ngắt thân và lá mà không lấy cả rễ vì muốn để cho cây tiếp tục sống và phát triển. Sau đó, họ sẽ đem phần thu hái được về rửa sạch, phơi khô (hoặc có lúc dùng cây tươi) làm thuốc.
Năm 2010, các thương lái Đài Loan đến thu mua lan kim tuyến với giá rất cao từ 3,5 đến hơn 4 triệu đồng/1kg và với số lượng lớn, làm dấy lên cơn sốt lan kim tuyến ở Việt Nam. Trên các kênh mua sắm online ở Đài Loan, lan kim tuyến được rao bán với giá khoảng từ 10 đến 12 triệu đồng/1kg tươi.
Thành phần chính trong Lan kim tuyến
Người ta tìm thấy trong lan kim tuyến rất nhiều loại axit amin và các hoạt chất có lợi như beta-D-glucopyranosy, axit succinic, axit palmitic, axit stearic, beta-sitosterol.
Ngoài ra, các axit amin có trong cây lan kim tuyến có khả năng hỗ trợ tiêu diệt các khối u ác tính. Thêm vào đó, bằng sáng chế US 9072770 B2 của Hoa Kỳ được công bố vào tháng 7/2015 đã khẳng định rằng các hoạt chất có chứa trong loại dược liệu này còn có công dụng bảo vệ tế bào gan.
Công dụng của Lan kim tuyến
Theo Đông y, lan kim tuyến có tính mát, vị ngọt, hơi chát, có tác dụng quy kinh can, thận, tỳ, phế. Nó được biết đến là một loại “thảo dược quý” lưu truyền trong nhiều bài thuốc Đông y, nhất là trong các bài thuốc giúp điều trị bệnh hiểm nghèo. Hãy cùng Vườn nhà mình tìm hiểu một số công dụng nổi bật của lan kim tuyến trong điều trị các loại bệnh dưới đây.
Phòng ngừa và điều trị ung thư
Nhiều hoạt chất có trong lan kim tuyến có công dụng hiệu quả trong việc ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, giúp làm chậm quá trình lão hóa. Các axit amin như beta-D-glucopyranosy, axit succinic, axit palmitic, axit stearic, beta-sitosterol giúp nâng cao sức đề kháng, tăng cường khả năng chống chọi lại với bệnh tật của cơ thể.
Hỗ trợ và điều trị bệnh tiểu đường
Theo nghiên cứu Đông y, lan kim tuyến có tính mát, giúp bồi bổ khí huyết, điều hòa lượng đường trong máu, có tác dụng tốt đối với những người bị tiểu đường.
Hỗ trợ và điều trị các bệnh về gan
Như đã đề cập ở trên, các hoạt chất trong thảo dược này rất có lợi cho các tế bào gan vì giúp tăng cường hoạt động của hệ miễn dịch, đẩy nhanh quá trình hồi phục và giúp cải thiện tình trạng các bệnh về gan như viêm gan, xơ gan, men gan cao. Bên cạnh đó, sử dụng dược liệu này để điều trị gan nhiễm mỡ hoặc máu nhiễm mỡ cũng đem lại hiệu quả tốt.
Theo sách thuốc Đông y cổ của Đài Loan ghi lại, lan kim tuyến còn có nhiều tác dụng tuyệt vời khác như:
- Hỗ trợ điều trị các bệnh lý liên quan đến đường hô hấp, phổi như ho khan, đau tức ngực, đau họng, ho hen, thổ huyết.
- Giảm nhẹ các tình trạng đau bụng hoặc sốt cao.
- Chứa các hoạt chất có tính kháng khuẩn, giúp bồi bổ máu, thanh nhiệt.
- Cải thiện khả năng hấp thụ các chất dinh dưỡng ở trẻ nhỏ.
- Giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, giúp ăn ngon ngủ ngon, tâm tình thoải mái
Cách ngâm rượu lan kim tuyến
Vì dùng lan kim tuyến thường xuyên sẽ rất có lợi cho sức khỏe, giúp bồi bổ cơ thể, nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch nên người dùng có thể mang lan kim tuyến ngâm với rượu để sử dụng hàng ngày. Vườn nhà mình sẽ chỉ cho các bạn cách ngâm rượu lan kim tuyến mang lại hiệu quả tốt nhất.
Đầu tiên, sau khi thu hái cây về, phần đất và mùn bám ở gốc cây cần được rửa sạch sẽ rồi để ráo nước (nếu mua sẵn cây đã qua sơ chế thì bỏ qua bước này). Tiếp đó, bạn đem lan kim tuyến ngâm với rượu 40 độ với tỉ lệ 1 cân lan/10 lít rượu. Một tháng sau khi ngâm là bạn có thể đem ra sử dụng.
Cách trên là dùng lan kim tuyến tươi, nếu mua lan kim tuyến khô về thì bạn ngâm với tỉ lệ 5 lạng lan/10 lít rượu
Liều dùng: uống chừng 2 chén nhỏ hàng ngày, trước lúc đi ngủ; cách dùng này sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho sức khỏe và cải thiện bệnh tật.
Các cách sử dụng khác của lan kim tuyến
- Điều trị ung thư: Đem 25g cây lan gấm tươi và 35g cây xạ đen đun với nước và uống hàng ngày.
- Điều trị bệnh gan: Đem 25g lan kim tuyến tươi 25g, 35g cà gai leo đun với nước và uống hàng ngày.
- Điều trị tiểu đường: Đem 25g lan gấm tươi hãm trong nước sôi và uống sau khi ăn khoảng 15 phút.
- Điều trị khó ngủ: Đem 25g lan gấm tươi, 15g hoài sơn khô và 8g tâm sen hãm với nước sôi và uống hàng ngày.
- Điều trị cơ thể suy nhược, chán ăn: Đem 25g lan gấm, 15g hoài sơn khô, 15g mạch môn khô sắc với nước và uống hàng ngày.
Bạn cũng có thể dùng lan kim tuyến để pha trà hoặc hãm trà uống hàng ngày, giúp tăng cường sức khỏe, bồi bổ khí huyết. Vườn nhà mình sẽ chia sẻ với các bạn 2 cách thường dùng lan kim tuyến:
Cách pha trà:
- Bước 1: Cho một ít lan kim tuyến khô (khoảng 10g) vào ấm trà
- Bước 2: Tiếp theo, đổ chút nước sôi, lắc đều ấm để tráng trà, phải đảm bảo nước sôi đã tưới qua trà 1 lượt rồi mới đem nước này đổ đi.
- Bước 3: Cho 150ml nước sôi vào ấm pha trà và chờ khoảng 5 đến 7 phút để nước ngấm vào trà. Thưởng thức trà khi còn ấm để thưởng thức được mùi vị thơm ngon hơn.
Cách nấu trà:
- Nếu như bạn hay gia đình không quen nhâm nhi một tách trà vào mỗi buổi sáng thì bạn cũng có thể nấu nước lan kim tuyến để uống thay nước lọc.
- Mỗi ngày, đem tầm 50-80g lan gấm khô nấu với 1.5 lít nước rồi uống trong ngày.
Cách trồng lan kim tuyến
Bạn cũng có thể thử sức trồng lan kim tuyến tại nhà theo quy trình sau.
Chuẩn bị giá thể
Phơi khô xơ dừa rồi đem đi ngâm trong nước vôi loãng trong vòng 6 tiếng thì vớt ra để ráo nước. Sau đó, băm nhỏ xơ dừa bằng máy băm hoặc dao. Phơi khô rễ dương xỉ rồi xé nhỏ và mang đi ngâm nước sạch trong khoảng 1 giờ. Phần dớn vụn cũng đem đi ngâm trong nước sạch để cho chúng ngấm no nước.
Tiếp đến, bạn cần trộn hỗn hợp giá thể bằng các thành phần như đất, rễ dương xỉ khô, dớn vụn, phân chuồng ủ mục, xơ dừa với tỷ lệ là 3:1:2:3:2 rồi thêm chút nước và ủ trong một tuần trước khi lấy để trồng cây.
Chuẩn bị giống
Trước khi trồng, bạn nên dùng các loại chế phẩm kích thích mọc rễ và thuốc trị nấm như thuốc tím, daconil, benlat… để ngâm cây con. Khi ấy, cây con có thể tránh được nhiều loại sâu bệnh cũng như phát triển tốt hơn. Cần chọn các cây giống chất lượng tốt, các bộ phận như rễ, chồi, lá khỏe mạnh, không mắc sâu bệnh hại.
Cách trồng lan kim tuyến
Trồng cây vào giá thể chuẩn bị sẵn, trồng thành các cụm gồm chừng 5 cây, khoảng cách giữa các cụm là 0,5 đến 1m. Để cố định cây, giúp cây đứng thẳng thì bạn cần dùng tay nén chặt đất xung quanh gốc cây, đảm bảo rễ cây được vùi lấp trong giá thể. Kế đến, trong những ngày đầu, bạn nên bọc kín giá thể bằng túi ni lông hoặc vải lưới. Sau 6 đến 8 ngày, bạn có thể bỏ túi ni lông đi.
Cách chăm sóc lan kim tuyến
Tưới nước
Đối với loại cây này, phương thức tưới nên là phun sương, có thể sử dụng dàn phun sương hay bình phun sương đều được. Nên tưới cây mỗi ngày hai lần và chỉ tưới để cấp đủ độ ẩm cho giá thể, tránh tưới quá nhiều nước vì sẽ gây ra thối rễ. Khi trời mưa, độ ẩm trong không khí tăng cao, bạn chỉ cần tưới cây với tần suất 1 ngày/1 lần.
Bón phân
Cần dựa vào từng giai đoạn phát triển của lan để xác định đúng được loại phân và liều lượng bón. 3 tháng đầu tiên, chủ yếu hòa loãng phân đạm với nước để tưới cho cây với tần suất 1 tuần/1 lần. Ngoài ra, bạn cũng có thể bón thêm cho cây phân lân hoặc Urê. Trong giai đoạn lan được khoảng 4 – 10 tháng tuổi thì bạn bón cho cây tất cả các loại phân hữu cơ như phân NPK, phân lân, phân Kali. Khi lan kim tuyến được 1 năm tuổi và sắp ra hoa thì bạn bắt đầu bón các loại phân NPK (16:16:8), phân Kali, phân KCL và phân chuồng ủ mục theo tỉ lệ 3:3:3:1 xung quanh gốc lan.
Phòng trừ sâu bệnh
Ngoài việc đảm bảo giá thể có độ ẩm thích hợp và cây nhận được đầy đủ các chất dinh dưỡng, bạn cũng cần kiểm tra tình trạng của cây thường xuyên để kịp thời phát hiện các dấu hiệu về sâu bệnh và tìm ra cách phòng ngừa và điều trị hiệu quả. Cần phải loại bỏ ngay những cây lan kim tuyến đã bị nhiễm sâu bệnh để ngăn bệnh không lây lan sang các cá thể lan khác.