Tìm hiểu về đinh lăng, cách ngâm rượu đinh lăng

Tìm hiểu về đinh lăng, cách ngâm rượu đinh lăng

Mục lục

5/5 - (3 bình chọn)

Đinh lăng là cây gì?

Tên khoa học: Polyscias ịrmicosa (L.) Harms (Panax fruticosum L).

Họ: Ngũ gia bì (Araliaceae).

Trong dân gian, cây có nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên, người ta thường dùng loại đinh lăng lá nhỏ để làm thuốc, loại này còn được gọi là cây gỏi cá. Những loại đinh lăng không được dùng làm thuốc:

  • Loại lá tròn (Polyscias balfouriana Baill): có lá dạng lá kép với ba lá nhỏ, hình tròn, tù ở phần đầu.
  • Loại lá to hay đinh lăng lá ráng (Polyscias ilicifolia (Merr.) Baill.): có lá dạng lá kép với 11 đến 13 lá nhỏ, hình mác với các răng cưa to và sâu.
  •  Loại lá trổ hoặc viền bạc (Polyscias guifoylei Baill.).

Bộ phận sử dụng của cây đinh lăng

Trong dân gian, phần lá đinh lăng là bộ phận hay được người ta sử dụng. Tuy nhiên, bộ phận nên dùng và có tác dụng dược lý tốt nhất là phần rễ đã phơi hay sấy khô.

Sau khi cây đinh lăng được trên 5 năm tuổi, vào mùa đông, người ta sẽ thu hoạch rễ cây bởi vì vào thời điểm này rễ cây sẽ mềm và chứa nhiều hoạt chất. Đầu tiên, đào lấy bộ rễ rồi đem đi rửa sạch và bóc lấy vỏ rễ. Tiếp đó, mang rễ đinh lăng đi phơi khô ở nơi thoáng mát để giữ nguyên hoạt chất. Sau khi rễ đinh lăng đã khô thì sẽ có dạng cong queo, người ta thường đem phần rễ đi thái thành các lát mỏng.

Hoạt chất có trong cây đinh lăng

Phần vỏ rễ và lá của cây đinh lăng có chứa các hoạt chất như saponin, alcoloid, khoảng 20 loại axit amin, tanin, axit hữu cơ. Bên cạnh đó, cây đinh lăng còn chứa nhiều vitamin B1, B2, B6, vitamin C, tinh dầu, các chất vi lượng và 21,10% đường.

Trung tâm Sâm và Dược liệu thành phố Hồ Chí Minh thuộc Viện Dược Liệu đã phân lập được 5 hợp chất có trong lá đinh lăng. Người ta cũng tìm ra 5 hợp chất trong rễ đinh lăng, trong đó, chỉ có 3 hợp chất trùng khớp với các thành phần trong lá. Ba hợp chất này đều có công dụng kháng khuẩn rất mạnh và giúp phòng chống một số bệnh ung thư.

Tác dụng của cây đinh lăng

Tác dụng cây đinh lăng theo Y học cổ truyền

Các vị thuốc có chứa đinh lăng được dùng làm thuốc bồi bổ, điều trị chứng suy nhược cơ thể, tiêu hoá không tốt, tình trạng thiếu sữa của phụ nữ sau khi sinh, nhức mỏi.

  • Đinh lăng còn được sử dụng làm thuốc trị ho, ho ra máu, lợi tiểu, chữa kiết lỵ.
  • Thân và cành đinh lăng được dùng để điều trị phong thấp, đau lưng.
  • Phần lá được sử dụng để trị cảm sốt, mụn nhọt sưng tấy.

Tác dụng cây đinh lăng theo y học hiện đại

Học viện Quân sự Việt Nam đã nghiên cứu và chỉ ra các tác dụng sau của dung dịch cao Đinh lăng:

  • Tăng biên độ điện thế não, giúp nâng tỉ lệ của sóng alpha, bêta đồng thời giảm bớt tỉ lệ của sóng delta. Giúp nâng cao khả năng tiếp nhận các kích thích ánh sáng của các tế bào thần kinh vỏ não.
  • Tăng nhẹ quá trình hưng phấn trong lúc thực hiện phản xạ mê lộ.
  • Tăng phản xạ có điều kiện bao gồm phản xạ dương tính và phản xạ phân biệt.

Theo một số nghiên cứu trong nước, có thể thấy rằng bột rễ hay dịch chất rễ của cây đinh lăng có tác dụng cải thiện sức chịu đựng của cơ thể con người. Đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, hiệu quả hơn so với vitamin C và các loại chè giải nhiệt.

Ngoài ra, người ta còn nhận thấy công dụng kích thích hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng trước các loại bệnh tật của dịch chiết rễ và bột rễ cây đinh lăng.

Rượu ngâm đinh lăng

Như đã đề cập ở trên, đinh lăng đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Uống rượu ngâm rễ đinh lăng cũng sẽ mang lại các tác dụng tương tự. Ví dụ như uống rượu đinh lăng giúp bồi bổ sức khỏe, cải thiện hệ miễn dịch, kích thích khả năng tiêu hóa. Bên cạnh đó, rượu đinh lăng còn giúp an thần, tăng khả năng ghi nhớ, thúc đẩy lưu thông máu. Tuy nhiên, cách ngâm rượu đinh lăng đúng và đem lại hiệu quả thì không phải ai cũng biết. Do đó, dưới đây Vườn nhà mình sẽ chia sẻ với các bạn cách ngâm được bình rượu đinh lăng chuẩn, tốt cho sức khỏe.

Cách chọn nguyên liệu ngâm rượu đinh lăng

Để có được bình rượu ngâm đinh lăng ngon và bổ thì bước đầu tiên cần làm đó là chọn lựa các nguyên liệu tốt, đúng chuẩn. Những nguyên liệu được chọn nên đáp ứng được các tiêu chí sau đây:

1. Đối với củ đinh lăng

Hiện nay, có 2 loại củ đinh lăng chính được bày bán trên thị trường đó là đinh lăng lá nhỏ và đinh lăng lá to. Trong hai loại, củ của đinh lăng lá nhỏ thường được ưa thích hơn so với đinh lăng lá to. Đinh lăng càng có nhiều năm tuổi thì sẽ có càng nhiều công dụng với sức khỏe. Thông thường, loại củ đinh lăng có giá cả hợp lí và công dụng vừa đủ là các loại có tuổi đời từ 3 đến 5 năm và có cân nặng trên 1kg. Tuy vậy, chắc chắn các loại củ đinh lăng như thế này sẽ có giá đắt hơn những củ mới được trồng.

Hơn nữa, có người vì chạy theo lợi nhuận mà bán củ đinh lăng giả, không đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, các bạn cần tìm mua củ đinh lăng chuẩn, đảm bảo ở những cơ sở kinh doanh uy tín.

2. Đối với rượu để ngâm đinh lăng

Bên cạnh việc chọn lựa đinh lăng, tìm mua rượu đúng chuẩn cũng một bước rất quan trọng. Để tạo ra được một bình rượu ngâm đinh lăng ngon, bạn nên tìm mua rượu có nồng độ cồn từ 40 đến 45 độ. Rượu có nồng độ cồn ở mức này sẽ giữ được màu sắc đẹp của củ đinh lăng. Không chỉ vậy, các chất dinh dưỡng có trong củ đinh lăng có thể ngấm vào rượu dễ dàng hơn.

Nếu như độ cồn trong rượu thấp thì sau khi ngâm, màu vàng của rượu sẽ ngày càng nhạt dần. Ngược lại, độ cồn của rượu càng cao thì màu vàng càng đậm. Tương tự, nếu rượu có độ cồn cao thì lượng dưỡng chất của củ đinh lăng ngấm vào trong rượu càng nhiều, càng có nhiều lợi ích. Tuy thế, loại rượu nên dùng để ngâm không nên có độ cồn cao hơn 45 độ. Bởi nếu rượu có nồng độ quá cao thì màu sắc của đinh lăng sẽ thâm lại, hơn nữa, chất lượng của rượu thuốc sẽ bị giảm bớt.

Bên cạnh đó, bạn cần lựa chọn cẩn thận loại rượu được nấu thủ công bằng men ta chứ không phải men tàu. Rượu nấu bằng men ta không chỉ đảm bảo an toàn cho sức khỏe mà còn tăng hiệu quả và hương vị của rượu ngâm đinh lăng.

Nên chọn mua củ đinh lăng ở những nơi uy tín để đảm bảo chất lượng

3. Đối với bình để ngâm rượu đinh lăng

Đối với bình ngâm rượu, các bạn có thể lựa chọn các loại bình với hình dáng khác nhau tùy theo sở thích của mỗi người. Tuy nhiên, chất liệu của bình rượu nên là thủy tinh vì bình nhựa có thể mang lại một số tác động tiêu cực đối với sức khỏe của người sử dụng.

Bên cạnh đó, bình được lựa chọn nên có miệng cao su hoặc phải được bọc kín mép. Đường kính của miệng bình phải đủ rộng để có thể cho củ đinh lăng vào trong. Hiện nay, nhiều bình rượu đinh lăng vừa được dùng để làm rượu uống, vừa để làm cảnh. Vì vậy, các bạn có thể tìm mua các loại bình ngâm phù hợp tùy thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình.

Nhiều bình rượu đinh lăng vừa được dùng để làm rượu uống, vừa để làm cảnh.

Cách ngâm rượu đinh lăng tươi và khô

Bạn có thể lựa chọn đinh lăng ở dạng tươi hoặc khô để ngâm rượu đều được. Tuy nhiên, mỗi dạng cần có cách ngâm khác nhau, dù thực tế không khác biệt nhiều lắm. Cách ngâm cụ thể như sau:

Ngâm rượu đinh lăng tươi như thế nào cho đúng cách?

1. Cách ngâm rượu đinh lăng tươi

Đầu tiên, sau khi đào lên thì mang củ đinh lăng đi rửa thật sạch. Tiếp đó, bạn nên cạo phần vỏ ở cuối gốc thật sạch, việc này không chỉ giúp làm mất mùi tanh của rượu thành phẩm mà còn giúp các chất phôi của củ ngấm ra dễ dàng.

Sau khi rửa sạch, để củ đinh lăng thật ráo tiếp đến mới cho vào bình ngâm. Bạn có thể cắt củ đinh lăng thành các phần nhỏ hoặc để nguyên cả củ, giúp cho bình rượu thuốc đẹp mắt hơn. Bạn cũng có thể thêm cả sâm cau hay bạch tật lệ vào ngâm cùng đinh lăng nếu có điều kiện.

Cho rượu vào bình sao cho rượu ngập phần củ đinh lăng rồi đậy kín nắp. Tỉ lệ ngâm rượu đinh lăng phù hợp là 1kg đinh lăng / 3 đến 4 lít rượu. Nếu lượng rượu bạn thêm vào nhiều quá thì có thể làm nhạt đi vị cũng như giảm hiệu quả của rượu thuốc.

Bảo quản bình rượu ở nơi khô ráo, thoáng mát, không tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Sau khoảng 1 tháng, nếu màu của rượu thuốc chuyển sang màu vàng thì các bạn có thể lấy ra sử dụng.

2. Cách ngâm rượu đinh lăng khô

Có thể ngâm rượu đinh lăng khô theo 2 cách khác nhau

Các bạn có thể ngâm đinh lăng khô bằng hai phương pháp khác nhau như sau:

+ Cách ngâm truyền thống:

Đầu tiên, rửa sạch, để ráo rồi thái củ đinh lăng thành các lát và phơi khô. Thông thường, cứ tầm 4kg củ đinh lăng tươi sẽ cho ra khoảng 1kg đinh lăng khô. Trong quá trình đó, chúng ta phải phơi khoảng 5 – 6 lượt nắng.

Đợi đến khi đinh lăng khô cho vào chảo và sao vàng trên lửa lớn trong khoảng 5 phút. Tiếp đó, để cho đinh lăng nguội rồi cho vào bình ngâm. Đến khi đinh lăng nguội, đổ rượu vào ngâm cùng.

Các bạn cần lưu ý rằng đối với đinh lăng khô, chúng ta sẽ sử dụng nhiều rượu để ngâm hơn so với đinh lăng tươi. Tỉ lệ đinh lăng khô và rượu để ngâm là 1kg củ đinh lăng khô/ 7 đến 8 lít rượu. Khi ngâm củ đinh lăng với lượng rượu như vậy, hoạt chất Saponin sẽ được giảm bớt.

Thời gian ngâm đinh lăng khô sẽ kéo dài hơn so với ngâm đinh lăng tươi. Đối với rượu ngâm đinh lăng khô, bạn phải đợi chừng 3 tháng thì mới có thể lấy ra để sử dụng.

+ Ngâm rượu đinh lăng khô theo Đông y:

Sau khi thu hoạch, đem củ và rễ đinh lăng đi rửa sạch, thái nhỏ và phơi âm can. Điều này có nghĩa là phơi đinh lăng 5 nắng và phơi 2 lần trong bóng râm.

Các bạn cũng cần chuẩn bị một bát nước vo gạo nếp đặc.

Bắc một cái chảo lớn lên bếp, cho đinh lăng khô vào, vừa vẩy nước vo gạo vừa sao vàng trong từ 5 đến 7 phút. Đợi đến khi cạnh của đinh lăng vàng thì tắt bếp và để cho nguội.

Cho đinh lăng đã sao vàng vào bình thủy tinh, đổ rượu vào ngâm đinh lăng theo tỷ lệ 1kg đinh lăng khô/ 10 đến 12 lít rượu và đậy kín nắp.

Để bình rượu trong khoảng 3 tháng, đến khi các dưỡng chất trong củ, rễ đinh lăng ngấm ra rượu hết là có thể đem ra dùng.

Mặc dù rượu ngâm đinh lăng bằng dạng đinh lăng tươi hay khô đều mang lại nhiều lợi ích nhưng nhiều rượu ngâm đinh lăng khô vẫn được ưa chuộng hơn bởi mùi vị thơm ngon hơn.

Những điều cần lưu ý khi sử dụng rượu ngâm đinh lăng

Các bạn cần lưu ý một số điều sau cả trong công đoạn ngâm lẫn sử dụng rượu đinh lăng:

Mặc dù củ đinh lăng là một loại dược liệu ít độc nhưng nếu bạn quá lạm thì vẫn có nguy cơ bị ngộ độc. Những tác dụng phụ dễ nhận thấy nhất khi sử dụng quá liều lượng củ đinh lăng là xung huyết gan, tim, phổi, dạ dày, ruột, rối loạn dinh dưỡng.

Trong đinh lăng có hàm lượng lớn hoạt chất Saponin. Nếu lạm dụng loại củ này, người bệnh có thể bị chóng mặt, tụt huyết áp, nôn mửa… Vì vậy, bạn nên sử dụng rượu thuốc với liều lượng thích hợp. Mỗi ngày bạn chỉ nên uống khoảng 3 – 4 ly nhỏ, mỗi ly khoảng 15ml là phù hợp.

Bởi rượu đinh lăng sẽ gây cảm giác hưng phấn và khiến người uống khó ngủ nên cần tránh uống rượu thuốc này hoặc dùng các bài thuốc từ cây đinh lăng vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Để rượu thuốc phát huy tối đa hiệu quả, thời gian ngâm rượu cần phải tuân theo quy tắc nhất định. Đối với rượu ngâm củ đinh lăng tươi, thời gian ngâm phải khoảng 1 tháng trở lên và đinh lăng khô là từ 3 tháng trở lên.

Bạn cũng có thể cho thêm các loại thảo dược khác để ngâm cùng đinh lăng nhằm tăng thêm tác dụng của rượu thuốc. Tuy nhiên, thảo dược dùng để ngâm cùng cần phải được lựa chọn cẩn thận và là loại thích hợp.

Trên đây là những thông tin về đinh lăng và cách ngâm rượu đinh lăng tươi và khô mà Vườn nhà mình muốn chia sẻ với các bạn. Sử dụng rượu ngâm đinh lăng mang lại nhiều lợi ích cho cơ thể, giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa được nhiều bệnh lý. Tuy vậy, các bạn cũng cần nắm rõ một số điều cần lưu ý khi ngâm và sử dụng rượu ngâm đinh lăng. Hy vọng rằng, các bạn có thể áp dụng thành công và cho ra bình rượu đinh lăng thơm ngon, bổ dưỡng nhé!



0916526868
chat-active-icon