Tìm hiểu về vịt suối và món ngon từ vịt

Tìm hiểu về vịt suối và món ngon từ vịt

Mục lục

5/5 - (2 bình chọn)

Mỗi lần đi ngang qua các làng, bản vùng cao, chúng ta có thể bắt gặp hình ảnh những chú vịt đang đắm mình trong những con suối trong veo, mát mẻ. Có lẽ bởi vậy nên người dân ở đây thường gọi chúng là vịt suối.

Từ ngày trước, người ta đã biết nuôi giống vịt suối và tự nhân giống, rồi đem trứng vịt mang cho gà ấp. Mỗi hộ thường nuôi trung bình tầm mấy chục con vịt suối một lứa, một số hộ có thể nuôi nhiều hơn đến chừng trăm con.

Những chú vịt đang chơi đùa ở con suối trong veo

Đặc điểm của vịt suối

Vịt suối thường có bộ lông màu nâu xám với chiếc cổ ngắn, cặp mỏ nhỏ và đôi chân nhỏ. Trọng lượng trung bình của một con vịt suối trưởng thành chỉ khoảng từ 1,5kg đến 1,8kg, nặng nhất thì đến tầm 2kg. Vịt suối có thể tự kiếm thức ăn ven suối, sông như các loại ốc nhỏ, tôm tép nhỏ, ếch nhái nhỏ, cua cấy, cá nhỏ,…Vì vậy, vịt suối được nuôi thả tự nhiên, gần như không cần chăm sóc hay cho ăn các loại cám tăng trọng gì cả. Cứ hàng sáng thì chúng được thả ra tự kiếm ăn còn chiều tối đến lại dắt cả tự về nhà.

Người ta có thể chế biến thịt vịt thành nhiều món ăn quen thuộc mà vẫn ngon lành như luộc, rán, quay 7 vị, nướng… Tuy nhiên, chất thịt của thịt vịt suối hoàn toàn khác, rất đặc trưng và khó có thể bị nhầm lẫn với các giống vịt khác. Thịt vịt suối có mùi vị thơm ngon, béo ngậy, mang vị ngọt tự nhiên, thịt mềm mà không bị bở như vịt nuôi cám cò.

Đặc điểm của vịt suối

Lợi ích của thịt vịt đối với thức khỏe

Thịt vịt có chứa hàm lượng cao các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể và đem lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Trong thịt vịt có chứa hàm lượng Selen cao, đây là chất có khả năng chống oxy hóa tốt, hỗ trợ nâng cao sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể.

Bên cạnh đó, các loại vitamin B có trong thịt vịt cũng giúp hệ thần kinh hoạt động hiệu quả, giảm căng thẳng, mệt mỏi đồng thời cải thiện chức năng hệ tiêu hóa cũng như tăng cường khả năng sinh lý của phái mạnh. Ngoài ra, thịt vịt cũng giàu chất sắt giúp bổ máu, tăng cường tuần hoàn máu. Hàm lượng phốt pho và canxi có trong thịt vịt cũng giúp xương khớp chắc khỏe, ngừa các bệnh về xương, răng như loãng xương, đau nhức xương khớp.

Món vịt nướng sa tế

Chuẩn bị: 30 phút

Chế biến: 1 giờ

Độ khó: Dễ

Thay vì ăn những món quá quen thuộc như vịt quay, cháo vịt, canh măng…vào những ngày gia đình có tiệc, sao các bạn không thử ngay món vịt nướng sa tế đậm đà, cay ngon thơm lừng lại cực kì dễ làm để chiêu đãi cả nhà mình nhỉ. Vườn nhà mình sẽ chia sẻ với các bạn công thức làm món vịt nướng sa tế cay siêu dễ dưới đây. Cùng vào bếp và trổ tài chiêu đãi cả nhà nào các bạn ơi!

Nguyên liệu chế biến món vịt nướng sa tế cho 4 người

Bạn cần chuẩn bị những nguyên liệu sau: 1 con vịt suối, 1 thìa canh sa tế, 1 thìa canh dầu màu điều, 1 thìa canh mạch nha (hoặc mật ong), 4 thìa canh giấm ăn, 5 ánh tỏi, 1 thìa canh tỏi băm nhuyễn, 5 củ hành khô, nửa củ gừng, 1 thìa canh dầu hào, 1 thìa canh bột ớt, nửa thìa cà phê bột ngũ vị hương, 1 thìa canh rượu trắng, 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh dầu ăn, các loại gia vị thường dùng (muối/ đường/ hạt nêm/ mì chính/ hạt tiêu xay) mỗi thứ một ít.

Cách lựa chọn thịt vịt tươi ngon

  • Chọn lựa những con vịt vừa mới được mổ, có lớp da vàng bên ngoài. Không chọn con có màu da quá sậm hay loang lổ.
  • Bạn nên dùng tay nhấn thử vào thịt vịt để kiểm tra độ đàn hồi. Nếu thấy thịt có độ đàn hồi tốt, dai chắc thì nên mua.
  • Tuyệt đối không mua những con vịt có các vết bầm trên da hay thịt vịt không chắc mà mềm nhũn, xuất hiện mùi hôi khác thường.

Nơi mua sa tế ngon

  • Bạn có thể đến các cửa hàng uy tín, chợ, siêu thị thực phẩm để tìm mua các loại sa tế ngon chất lượng.
  • Ngoài ra, để đảm bảo vệ sinh, an toàn cho sức khỏe cũng như hợp với khẩu vị của gia đình, bạn cũng có thể tự làm sa tế tại nhà.

Nguyên liệu làm vịt nướng sa tế cho 4 người

Dụng cụ thực hiện

Lò nướng, giấy bạc, chảo, thìa, chén, bát tô,…

Cách chế biến món vịt nướng sa tế

1. Sơ chế thịt vịt

Sau khi mua vịt làm sẵn về, rửa lại vịt với nước, làm sạch các lông cứng vẫn còn sót lại trên da. Tiếp đó, dùng 2 thìa canh giấm ăn, 1 thìa canh rượu trắng, nửa củ gừng giã nhỏ để xát lại thịt vịt trong vòng 5 đến 10 phút để khử đi mùi hôi vốn có của thịt vịt. Bạn cũng cần phải rửa sạch phần máu trong khoang bụng và rửa qua lại 2 đến 3 lượt nước nữa cho thật sạch rồi để ráo.

Cách khử mùi hôi thịt vịt hiệu quả

  • Cách 1: Bước đầu, bạn chà xát lên khắp mình con vịt đã sơ chế bằng muối hạt rồi rửa sạch. Tiếp đó, cắt gừng thành các lát mỏng rồi đem chà và bóp cùng rượu lên mình vịt lần nữa sau đó rửa lại nhiều lần với nước sạch rồi để ráo.
  • Cách 2: Để loại bỏ mùi hôi của vịt hiệu quả, bạn cũng có thể chà xát lên toàn bộ thân mình con vịt đã sơ chế bằng hỗn hợp gồm muối, nước cốt chanh hoặc giấm rồi rửa sạch nhiều lần và để ráo.

2. Ướp vịt

Bóc vỏ và giã hoặc băm nhuyễn 5 nhánh tỏi, 5 củ hành khô rồi cho vào một bát tô lớn. Tiếp đến, cho vào bát tô 1 thìa canh nước tương, 1 thìa canh dầu hào, 1/4 thìa cà phê muối, 1 thìa cà phê hạt nêm, 2 thìa cà phê đường, 1/3 thìa cà phê hạt tiêu xay, 1/4 thìa cà phê mì chính, 1 thìa canh bột ớt, nửa thìa cà phê bột ngũ vị hương rồi trộn đều tỏi hành và các gia vị vừa cho.

Để đảm bảo vịt đã ráo nước và có thể ngấm đều gia vị hơn khi ướp, bạn nên dùng một chiếc khăn mềm để thấm khô vịt lại lần nữa. Kế đến, thoa đều phần nước sốt đã chuẩn bị lên khắp bên ngoài, khoang bụng vịt và ướp trong vòng 15 phút. Khi vịt đã ngấm đều gia vị, bạn có thể mang vịt đi nướng, nhưng phần nước sốt ướp nên để lại để làm nước chấm.

3. Nướng vịt

Đầu tiên, bật lò lên ở nhiệt độ 180 độ C để làm nóng lò nướng trong khoảng 10 phút. Tiếp đó, bạn đặt vịt đã ướp vào khay rồi cho vào lò nướng, vặn nhiệt độ 200 độ C và nướng trong vòng 30 phút.

Bạn cũng cần chuẩn bị hỗn hợp sốt để phết lên da vịt trong khi nướng gồm 2 thìa canh giấm ăn, 1 thìa canh dầu màu điều, 1 thìa canh mạch nha (có thể dùng mật ong nếu không có mạch nha).

Sau khi nướng nửa tiếng, bạn cần lấy vịt ra rồi dùng chổi phết đều phần sốt vừa chuẩn bị lên khắp phần da vịt. Bạn có thể dùng giấy bạc bọc hai cái cánh vịt lại rồi nướng tiếp 20 phút nữa nếu không muốn cánh vịt bị cháy khét. Để xác định thịt vịt đã chín hay chưa thì bạn có thể chọc que gỗ vào phần thịt dày. Nếu phần đầu ghim vào khô ráo thì vịt đã chín mềm còn nếu có máu đỏ dính vào que thì vịt vẫn chưa chín.

4. Làm nước sốt

Bắc chảo lên bếp, vặn lửa vừa, thêm 1 thìa canh dầu ăn vào chảo, đợi dầu sôi thì thêm 1 thìa canh tỏi băm nhỏ vào phi lên cho vàng thơm. Khi tỏi đã vàng thì cho phần nước sốt ướp vịt còn lại vào chảo và đảo đều đến khi nước sốt sôi và sánh quyện lại thì tắt bếp và múc ra bát.

5. Thành phẩm

Khay thịt vịt nướng sa tế mới ra lò đã tỏa hương thơm cay nồng nàn khắp cả phòng khiến cả nhà ai cũng phải xuýt xoa. Lớp da vịt bóng mướt, mang màu sắc đẹp, bắt mắt nhờ lớp dầu màu điều và mạch nha phết lên trên.

Món thịt vịt nướng sa tế thơm nồng, cay cay, ngon tuyệt

Từng miếng thịt mềm mại, tươm mỡ, nhìn ai cũng muốn ăn. Chấm thịt vịt vào bát nước sốt đậm đà đã pha và cảm nhận vị thịt mềm mềm mà lại dai dai, cay cay lại ngon ngọt tự nhiên. Chắc chắn là cả nhà sẽ thích mê ly món vịt nướng sa tế này!

Bài viết trên đã cung cấp một số thông tin bổ ích về vịt suối cũng như cách chế biến món vịt nướng sa tế thơm lừng, cay nồng cực kì hấp dẫn, ngon miệng. Hãy vào bếp ngay để đãi cả nhà món ngon này nhé! Chúc các bạn thành công và ngon miệng!



0916526868
chat-active-icon